Nhiễm giun kim là một loại nhiễm giun phổ biến nhất trên thế giới. Loại giun này có tính lan rất rộng, và rất thích trẻ em. Gần như tất cả trẻ em đều bị ít nhất một lần nhiễm giun kim cho đến khi trẻ được 18 tuổi, và hơn 50% trường hợp xảy ra khi trẻ bắt đầu lớp 1, khoảng 5-6 tuổi. Không giống như những bệnh khác, loại giun này rất “công bằng”, nó thâm nhập ở tất cả mọi trẻ ở tất cả tầng lớn kinh tế, xã hội, và trẻ dù giàu nghèo đều bị tương đương nhau.
Loại giun này thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hoặc đường hô hấp, dưới dạng trứng giun, vào đường tiêu hóa, và nở ra, lớn lên, sinh sống trong đường ruột. Tuy nhiên, loại giun này có một đặc điểm là không đẻ trứng trực tiếp trong đường ruột luôn cho tiện, mà có một “sở thích” lạ lùng. Con giun mẹ thường đợi khi con người ngủ yên, sẽ từ từ bò ra đến hậu môn, và đẻ trứng quanh lỗ hậu môn. Vì vậy, đây là nguyên nhân gây cho người mang giun kim ngứa ngáy cái đít vô cùng vào buổi tối. Khi ngứa, sẽ gãi, và khi gãi trực tiếp, thì trứng giun nhỏ xíu sẽ được dịp “cài” vô dưới móng tay, và trở thành phương tiện phát tán bệnh vô cùng hữu hiệu, khi tiếp xúc với người khác, khi đụng vào thức ăn, thức uống, hoặc khi bắt tay. Trứng của giun cũng bằng cách này, mà nhiễm vào đồ chơi, khăn,quần áo, chăn nệm, và có thể sống rất dai, 2-3 tuần ở môi trường bên ngoài, chực chờ cơ hội được đưa vô miệng của một người khác.
Vì đặc tính này, giun kim rất dễ lây, và khi có một trường hợp bị giun kim trong nhà, thì gần như chắc chắn là cả nhà cũng đều bị nhiễm hết rồi, chỉ là có hay chưa có triệu chứng mà thôi!
Triệu chứng thường gặp của nhiễm giun kim, như kể trên, là ngứa đít, thường vào ban đêm. Một số người, hoặc trẻ em, có thể có triệu chứng khó ngủ, mất ngủ, quấy khóc, hoặc khó chịu về đêm. Ở một số người có thể có đau bụng, buồn nôn, hoặc tiêu chảy – tuy nhiên những triệu chứng này không thường gặp bằng.
Chẩn đoán nhiễm giun kim rất đơn giản.
• Đối với trẻ nhỏ: bạn đợi 1-2 tiếng sau khi trẻ ngủ, lấy sẵn một miếng băng keo trong, vạch đít trẻ ra, lấy bề mặt dính của miếng băng keo, áp lên xung quanh hậu môn của trẻ vài lần, để lấy trứng giun. Bạn có thể làm 3 lần trong 3 đêm liên tục, để có kết quả tốt nhất. Sau đó lấy 3 miếng dán đó gửi bác sĩ để làm xét nghiệm xác định giun.
• Đối với người lớn, trẻ thành niên: làm tương tự, nhưng đợi lúc vừa tỉnh dậy, ngồi vào toilet, rồi áp băng keo trong lên hậu môn vài lần, trước khi đi tè, đi cầu.
• Nếu nhìn thấy quá rõ giun kim ở hậu môn, bạn có thể tự điều trị tại nhà, chứ không cần phải lấy trứng làm xét nghiệm.
Điều trị:
Thường sẽ cần điều trị cho người bị nhiễm giun và cho tất cả những người trong nhà, để phòng ngừa nhiễm giun lại từ người này sang người khác trong nhà.
Trị giun kim rất đơn giản:
• Đối với người lớn hơn 2 tuổi: 1 liều duy nhất Mebendazole 100mg , hoặc Albendazole 400 mg uống, sau đó lập lại một liều thứ hai 2-3 tuần sau.
• Đối với trẻ dưới 2 tuổi: nên tư vấn bác sĩ về chỉ định và liều lượng trước khi dùng cho trẻ bạn nhé!
Theo cơ chế gây bệnh trên của giun kim, bạn có thể phòng ngừa bệnh cho mình và bé yêu bằng cách:
• Rửa tay thật sạch trước ăn, hoặc sau khi đi cầu, hoặc thay tã
• Cắt móng tay thường xuyên – đừng để trẻ có móng tay dài, là nơi trú ngụ phát tán tuyệt vời của trứng giun
• Nếu ngứa đít, ráng đừng gãi – vì làm như thế là bạn trúng mưu của con giun đó!
Vậy đi ha, chúc các bạn đã ăn xong bữa trưa trước khi đọc được bài này!
Bs. Huyên Thảo.
P/S: đối với những bạn còn đang thắc mắc không biết cái hình này là cái gì, đây là hình cái lỗ đít với nhiều con giun kim đó ạ! Biểu tượng cảm xúc smile
Nguồn tham khảo:
1. Pinworms infection; Mayo Clinic staff; Mayo Clinic, America.
2. Pinworms; Murtagh’s General Practice;2011.
Nhận xét
Đăng nhận xét